Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động
Chăm sóc sức khỏe và chế độ ăn uống phù hợp trong mùa nắng nóng, giúp mọi người giữ cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật
Vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức, những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường, v.v. Sau đây là cách chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động
1. Giữ cơ thể mát mẻ:
- Tránh ra ngoài lúc trời nắng gắt. Mặc quần áo sáng màu, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Đội nón rộng vành, đeo kính râm, che chắn da cẩn thận.
- Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
2. Uống đủ nước:
- Tối thiểu 2 – 2,5 lít nước/ngày, nhiều hơn nếu hoạt động thể lực hoặc ra mồ hôi nhiều.Có thể bổ sung nước điện giải, nước dừa, nước chanh pha muối, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Hạn chế nước ngọt, nước có gas, cà phê, rượu bia (gây mất nước).
- Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hằng ngày.
3. Tắm rửa thường xuyên:
Giúp làm mát cơ thể và ngăn ngừa bệnh ngoài da. Không nên tắm ngay khi vừa đi nắng về (dễ sốc nhiệt) – nên nghỉ 15–30 phút.
4. Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng
- Bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.
- Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
- Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
5. Chế độ ăn uống phù hợp mùa nắng nóng
- Ăn thực phẩm mát, dễ tiêu hóa: Rau xanh (rau má, mồng tơi, rau dền…), củ quả (bí đao, bầu, mướp). Hoa quả giàu nước và vitamin: dưa hấu, cam, bưởi, thanh long, xoài chín, dứa...Tăng cường món luộc, hấp thay vì chiên xào.
- Một số thực phẩm giúp giải nhiệt: Nước sâm mát: rễ tranh, mía lau, râu bắp, la hán quả. Canh rau mát: canh rau má, canh bầu tôm, canh bí xanh. Chè đậu xanh, đậu đỏ (vừa phải, tránh quá nhiều đường).
6. Thực phẩm nên hạn chế:
- Đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Món cay nóng (tiêu, ớt…), dễ gây nổi mụn, nhiệt miệng.
- Hải sản để lâu, đồ ăn không rõ nguồn gốc (nguy cơ ngộ độc cao).