Sét là hiện tượng thời tiết cực đoan ngẫu nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét, chủ động tìm nơi an toàn, để phòng tránh sét khi gặp trời mưa giông, việc xử lý kịp thời và đúng cách có thể tránh được rủi ro, giảm thiểu mất mát về người cũng như thiệt hại về vật chất. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến người đọc những thông tin cơ bản về Sét, cách phòng, tránh và sơ cứu nạn nhân khi bị sét đánh
Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á - một trong ba tâm giông trên thế giới, có hoạt động giông sét mạnh. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét. Ở vùng núi, tuy sét xuất hiện nhiều hơn nhưng lại ít gây nguy hiểm vì có nhiều cây to là những vật dẫn điện tốt. Vùng trung du và đồng bằng có ít cây xanh nên người và gia súc dễ bị sét đánh trúng.
Sét đánh thường gây tổn thương rất nặng cho các cơ quan trong cơ thể như tim, da và cơ gân, hệ thần kinh. Những người bị sét đánh thường bị các tổn thương vĩnh viễn ở não, điếc hay mù nếu chậm được phát hiện và cấp cứu tại chỗ, trường hợp nặng có thể tử vong, có khoảng 30% nạn nhân sét đánh bị tử vong do tim ngừng đập.
1. Cách phòng, tránh
- Điều đầu tiên để phòng chống bị sét đánh, tất cả người dân cần chủ động nắm rõ thông tin thời tiết.
- Khi trời sắp xảy ra giông (mây đen, không khí lạnh, gió) cần vào nhà trú mưa. Khi ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, Rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Bởi vậy nên tránh xa các dây này và các vật dụng điện với khoảng cách ít nhất là 1 mét.
- Không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết, do điện thoại liên tục thu phát sóng điện từ để kết nối với các trạm thu phát sóng. Việc kết nối tạo ra vùng từ trường xung quanh điện thoại và người sử dụng thu hút sét. Đặc biệt những khu vực trống trải như đồng ruộng lại càng dễ thu hút điện từ hơn.
- Khi đang ở ngoài trời, nếu không tìm được chỗ trú ẩn, phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, không đứng ở các vùng đất trống trải, vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người; cũng không đứng, ngồi cạnh cột điện, hoặc đường dây tải điện, vì đây cũng là những nơi dễ bị sét đánh hay dây điện bị đứt nên rất nguy hiểm.
- Trong trường hợp đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai… Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh. Không đứng thành nhóm người gần nhau.
- Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.
- Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hỏa, ôtô... nếu không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này là an toàn. Ngược lại đối với các ôtô, tàu thủy để hở hay không có vỏ bọc kim loại thì lại nguy hiểm. Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.
- Đối với nhà ở cao tầng, khi thiết kế xây dựng phải có cột thu lôi.
- Ở những vùng nông thôn, đồi núi, biện pháp phòng chống sét lâu dài là trồng nhiều cây xanh. Thực tế cho thấy khi trồng nhiều cây xanh phủ trên diện tích rộng, số lần sét đánh giảm hẳn. Tuy nhiên, không được trồng cây quá cao sát nhà...
2. Cách sơ cứu nạn nhân bị sét đánh
Khi gặp người bị sét đánh, nếu nạn nhân hôn mê thì cần kiểm tra xem còn thở hay không. Nếu ngừng thở, cần tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức.
- Đặt nạn nhân nằm ngửa.
- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng-miệng: Lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu. Sau đó ngậm kín miệng của nạn nhân, thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.
- Ép tim ngoài lồng ngực: Xác định 1/3 dưới xương ức. Đặt hai tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút, ép sâu khoảng 3-5cm.
- Luân phiên thổi ngạt-ép tim như vậy với tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị thiết yếu.
- Phải cố định cột sống cổ, lưng cho bệnh nhân trong trường hợp nghi ngờ có vết thương trên đầu hoặc vùng cổ sưng nề có máu tụ.
- Lưu ý, Sau khi cấp cứu, sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên cho uống hay ăn nếu nạn nhân bị nôn hoặc trong tình trạng không tỉnh táo, có chấn thương.